Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Ông Bảy Nhị “tam nông”

Ông là Nguyễn Minh Nhị (tức Bảy Nhị), cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Thời còn đương chức, ông nổi tiếng là người lãnh đạo gắn với nhà nông. Ông sinh năm 1946, tại làng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, làng ba lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Tịnh Biên là một huyện biên giới sát với Cam-pu-chia, một nơi vừa có đồng, vừa có núi, lại có dòng kênh Vĩnh Tế nổi tiếng. Xuất thân trong một gia đình nông dân nên từ khi còn nhỏ, ông đã am hiểu nghề trồng lúa. Ông kể, sau này, trong những năm đi kháng chiến, ông cũng làm ruộng trồng lúa để có lương thực nuôi quân.

Năm 14 tuổi, ông thoát li gia đình, tham gia kháng chiến, lúc đầu làm du kích rồi sau đó chuyển sang làm công tác Đảng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông trải qua nhiều vị trí, giữ nhiều chức vụ như Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Ông tự nhận thấy cuộc đời mình gắn bó rất sâu sắc với người nông dân cũng như với nông nghiệp và nông thôn. Bắt đầu từ tổ chức cho nông dân khôi phục lại sản xuất sau ngày miền Nam giải phóng đến chỉ đạo thực hiện những công trình lớn, có ý nghĩa hệ trọng về lâu dài như chương trình khai phá tứ giác Long Xuyên, công trình thoát lũ kênh Vĩnh Tế, đề án 31 giúp người nông dân vùng lũ cải thiện cuộc sống...

Ông là người chịu khó quan sát thực tiễn, từ đó đúc rút kinh nghiệm để nâng lên thành lí luận, nhận thức. Cụ thể, thời kháng chiến, ông biết người Khmer có giống lúa cao sản và biết cách làm đê bao ngăn lũ để trồng lúa trên vùng đất trũng. Vì vậy, ngay trong những năm đầu sau giải phóng, được giao nhiệm vụ tổ chức, khôi phục lại sản xuất, ông vận động bà con nông dân làm đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa vụ hai. Nhờ vậy, vụ Đông - Xuân 1976, Phú Tân - địa phương nơi ông chỉ đạo sản xuất thành công với lúa hai vụ, trở thành điển hình được nhân rộng trong toàn tỉnh. Năng suất, sản lượng lúa ở An Giang tăng lên, tạo tiền đề cho nông nghiệp phát triển mạnh sau này.

Tứ giác Long Xuyên chiếm gần 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của An Giang. Do địa hình thấp, mùa nước lũ thường ngập sâu, bị nhiễm phèn nặng, trước năm 1988, vùng đất này gần như bị bỏ hoang. Sau thành công của dự án khai hoang Đồng Tháp Mười, Nguyễn Minh Nhị được giao trọng trách Tổng chỉ huy chương trình khai phá tứ giác Long Xuyên. Học tập kinh nghiệm khai hoang Đồng Tháp Mười, ông chỉ đạo dùng thủy lợi dẫn thủy nhập điền, rửa phèn cho đất. Mất năm năm, dự án khai phá tứ giác Long Xuyên mới thành công. Từ đó, mở ra vận hội mới, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của An Giang. Từ một tỉnh biên giới nghèo nàn, lạc hậu trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nâng cao sản lượng lúa xuất khẩu. Đời sống người nông dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ở Tứ giác Long Xuyên, vấn đề chống lũ bằng phương pháp đào kênh thoát lũ cũng là câu chuyện rất hay. Vào mùa mưa, từ Cam-pu-chia, lũ tràn qua và đọng lại ở tứ giác Long Xuyên gây hiện tượng ngập úng, lũ còn cản trở, ngăn không cho tứ giác Long Xuyên nhận được lượng phù sa màu mỡ từ thượng nguồn Mê-kông theo dòng sông Hậu tràn về.

Đã sống nhiều năm, thông thuộc địa hình, thủy văn, ông Nhị cho rằng, có thể sử dụng phương pháp đào kênh dẫn nước đưa lũ xấu thoát ra biển Tây. Ý tưởng về công trình thoát lũ ra biển Tây được hình thành. Được sự ủng hộ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, năm 1996, công trình thoát lũ ra biển Tây bằng hệ thống kênh Vĩnh Tế được khởi động và ba năm sau hoàn thành. Thoát khỏi lũ dữ, lại được bồi đắp bởi nguồn phù sa ngọt ngào từ dòng sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên bây giờ là vùng đất sinh sôi những mùa vàng bội thu.

Xuất thân từ một vùng đất nghèo khó, từng trải qua cảnh đời nông dân vất vả, thiếu trước hụt sau. Suốt đời, ông đặt mình vào vị trí của người nông dân, suy nghĩ làm thế nào để giúp người nông dân thay đổi cuộc đời. Nhiều lần đi tham quan nước ngoài, ông luôn chú ý đến cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn. Đề án 31 là sự cống hiến cuối cùng của ông trong thời gian tại chức. Đó là đề án cho nông dân vay vốn để sản xuất trong mùa nước nổi; hoặc làm lúa, làm màu vụ ba; đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản; tổ chức các sinh hoạt vui chơi, lễ hội góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nhận thức cho người dân.

Nghỉ hưu, ông vẫn dành sự quan tâm cho những vấn đề của xã hội. Rất giản dị, ông nói, bây giờ ra đường không còn thấy người, kể cả người nghèo, bận áo vá là lòng thấy mừng, thấy vui. Về quê gặp đồng bào dân tộc Khmer biết mang dép, không còn đi chân đất cũng cảm thấy sung sướng trong lòng. GS.TS, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân đã viết về ông: “Đồng chí Nguyễn Minh Nhị, một nhà lãnh đạo cương trực, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đã cống hiến nhiều sáng kiến độc đáo cho sự nghiệp phát triển kinh tế, tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đặc biệt cho An Giang”.

Trần Trọng Triết


xem phim subasa giac mo san co

phim hoàng tử gác mái

 xem phim danh vien vong toc online

phim hien vien kiem chi thien ngan

may queen

tai game dien thoai conggameviet

 

Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét