Trong năm qua, đáng chú ý nhất là các cuộc bầu cử gay cấn tại các cường quốc, mà trong đó có những sự trở lại hết sức ngoạn mục của những gương mặt quen thuộc.
Tại châu Âu, Thủ tướng Nga Putin đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-3 với 64% số phiếu ủng hộ và đã chính thức quay trở lại cương vị Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ ba. Bất chấp sự phản đối rầm rộ cũng như các cáo buộc của phe đối lập, chiến thắng của ông Putin được đánh giá là trung thực và minh bạch. Thường xuất hiện với vẻ ngoài mạnh mẽ và lạnh lùng, nhưng trong buổi mittinh mừng chiến thắng đêm 5-3, ông Putin đã làm nhiều người bất ngờ khi rơi nước mắt trong lúc phát biểu trước những người ủng hộ. Ông tuyên bố mình đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử công bằng và trung thực và kêu gọi tất cả mọi người đoàn kết vì lợi ích nước Nga..
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, sau một cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ ông Barak Obama đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp với chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney. Việc trở lại Nhà Trắng đã giúp ông Obama trở thành tổng thống thuộc đảng Dân chủ đầu tiên kể từ sau Tổng thống Franklin Roosevelt đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp với hơn 50% phiếu bầu, đồng thời là tổng thống đầu tiên kể từ năm 1940 tái đắc cử trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vượt 7,5%. Với chiến thắng này, ông Obama cũng đã lần thứ hai được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm.
Tại châu Á, Đại hội Đảng Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 kết thúc ngày 15-11 vừa qua, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới với việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy trung ương. Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu nhấn mạnh tới những vấn đề cấp bách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải giải quyết và tại lễ nhậm chức hôm 11-12, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô toàn quốc.
Bên cạnh đó, thế giới cũng không khỏi ngạc nhiên với việc Hàn Quốc sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử khi bà Park Geun-hye đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh hôm 19-12 và sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống vào tháng 2-2013.
Năm 2012 cũng đánh dấu sự bất ổn về an ninh diễn ra trên khắp thế giới. Từ những cuộc xung đột dữ dội ở Trung Đông, Bắc Phi, cho tới những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở châu Á và những vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ.
Tại Trung Đông, các cuộc xung đột bạo lực ở Syria giữa quân đội Chính phủ của tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng đối lập đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc nội chiến đã giết chết hơn 42.000 người và buộc 3 triệu người phải đi tị nạn. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến này, nhưng các bên tham gia hòa giải vẫn có sự bất đồng sâu sắc về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong giai đoạn tiếp theo.
Trong khi đó, cậu chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở khu vực Đông Á cũng trở thành một điểm nóng nhận được sự quan tâm của dư luận trên thế giới năm qua.
Ở khu vực Đông Bắc Á, tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) giữa Trung Quốc với Nhật Bản đã trở nên ngày càng gay gắt. Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi này là hàng loạt cuộc biểu tình, bạo động chống người Nhật và tẩy chay hàng Nhật ở Trung Quốc đã liên tiếp diễn ra, gây ra những tổn thất không nhỏ đối với kinh tế của Nhật Bản và thậm chí của cả Trung Quốc.
Song song với những tranh chấp chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tại khu vực Đông Bắc Á chứng kiến tranh chấp đảo giữa hai đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản và Hàn Quốc chung quanh quần đảo Dokdo/Takeshima. Vụ việc tranh chấp tốn khá nhiều giấy mực của báo giới này cũng gây nên nhiều sóng gió quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.
Còn tại Đông Nam Á, sau những đối đầu căng thẳng với Philippines ở bãi cạn Scarborough, tháng 6-2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" bao phủ toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Trung Quốc cũng phát hành hộ chiếu có in hình bản đồ “lưỡi bò”, tuyên bố sẽ lục soát và trục xuất tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế.
Cũng tại khu vực Đông Á, sau khi lên kế nhiệm cha mình là nhà lãnh đạo Kim Jong-il hồi tháng 2-2012, ông Kim Jong-un đã làm cả thế giới sửng sốt với việc phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo hôm 12-12. Đây là lần thứ hai nước này phóng tên lửa sau thất bại hồi tháng 4. Trong khi người dân Triều Tiên reo hò ăn mừng sự kiện này thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước phương Tây hết sức lo ngại vì họ cho rằng Triều Tiên đã lợi dụng các vụ phóng tên lửa này để thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Đối với nước Mỹ, năm 2012 cũng là một năm đáng lo ngại khi vào ngày 14-12, một thanh niên được trang bị vũ khí hạng nặng đã xả súng giết chết 27 người trong đó có 20 trẻ em từ năm đến 10 tuổi, tại trường tiểu học Sandy Hook, thuộc thành phố Newtown, bang Connecticut, Mỹ. Đây được xem là một trong những vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chỉ vài ngày sau đó, ngày 24-12, một người Mỹ 67 tuổi phục kích và xả súng vào đội lính cứu hỏa đi chữa cháy ở bang New York, giết chết hai lính cứu hỏa.
Những vụ xả súng này đã làm bùng lên những lo ngại trong dư luận Mỹ về tình trạng bạo lực nơi công cộng và yêu cầu thắt chặt các quy định liên quan buôn bán và sở hữu súng đạn. Nhiều nghị sĩ đã lên tiếng kêu gọi Quốc Hội thông qua các luật kiểm soát nghiêm ngặt việc sở hữu súng đạn. Tổng thống Obama một lần nữa lại cam kết sẽ hành động mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường và nơi công cộng.
Mặc dù vậy, thế giới năm 2012 không chỉ toàn sự bất ổn. Ngoài những tranh chấp và bạo động, còn có những tín hiệu tích cực ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tại Đông Nam Á, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21, các nhà lãnh đạo hai bên ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố kỷ niệm 10 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đây là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng bởi vì ý nghĩa và tầm quan trọng của DOC đã được các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc khẳng định lại một cách mạnh mẽ, và cam kết cùng hợp tác để hướng tới xây dựng COC - Bộ Quy tắc về ứng xử Biển Đông. Một khi COC được xây dựng, đây sẽ là điểm tựa để ASEAN giải quyết các vấn đề Biển Đông, sẽ giúp đạt được những kết quả cao trong mục tiêu chung không chỉ của ASEAN hay của ASEAN-Trung Quốc mà của tất cả các nước đó là hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực biển Đông.
Cũng tại khu vực này, Myanmar đã có những bước cải tổ mạnh mẽ về chính trị và kinh tế. Tổng thống U Thein Sein đã ân xá cho hàng trăm tù nhân chính trị, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí và nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngoài ra, việc tham gia vào quốc hội của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ đối lập của bà San Suu Kyi trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung đã được phương Tây đặc biệt hoan nghênh. Tháng 11, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên có chuyến thăm tới nước này. Ngoài ra, EU và Australia cũng đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Myanmar.
Tại Trung Đông, ngày 30-11, Đại hội đồng LHQ gồm 193 nước thành viên đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ quy chế quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên. Với 138 phiếu thuận trên 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, tương đương hơn 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định, Đại hội đồng LHQ đã chính thức nâng quy chế của Palestine lên "nhà nước quan sát phi thành viên". Đây được coi là thắng lợi lịch sử của người Palestine trên con đường thực hiện "giấc mơ" được "khai sinh một Nhà nước Palestine". Hàng nghìn người Palestine đã đổ ra đường ăn mừng. Nhiều quốc gia lên tiếng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu.
Về mặt kinh tế, trong năm qua cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên khi chưa tìm được phương thuốc hữu hiệu để trị “dịch bệnh nợ công” kéo dài gần 4 năm qua khi mà đã có lúc châu Âu đã tính tới việc “hy sinh” Hy Lạp để cứu đồng tiền chung. Trong một năm, có tới chục cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU nhằm tìm ra thuốc giải cho căn bệnh trầm kha này. Song, cứ sau mỗi cuộc họp, người ta chỉ đưa ra được những cam kết chung chung trong khi kinh tế của khu vực trong năm 2012 đã giảm 0,3%, ngay cả nền kinh tế đầu tàu là Đức cùng chỉ đạt mức tăng trưởng 0.9%.
Bất chấp các khoản cứu trợ khổng lồ được EU, IMF và ECB tung ra, tình hình nợ công của các mắt xích yếu nhất là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha vẫn không khiến các nhà đầu tư bớt lo ngại, dù “sinh mệnh” của toàn khối Eurozone đã được bảo đảm.
Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận về lộ trình hoàn thiện Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU) trên cơ sở thúc đẩy hợp nhất sâu sắc và củng cố tình đoàn kết nội khối. Đây là thành công nổi bật nhất của hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2012. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ vận hành vào giữa năm 2014.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu "còn lâu mới kết thúc " và hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Dù có thoát khỏi khủng hoảng, EU vẫn phải mất thời gian dài để đưa nền kinh tế ổn định trở lại và khôi phục lòng tin của giới đầu tư quốc tế.
Trong khi châu Âu vẫn “vật vã” với “dịch bệnh nợ công”, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là điểm sáng của nền kinh tế thế giới. Theo báo cáo hôm 19-12 của Ngân hàng thế giới cho biết kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,5% năm 2012, thấp hơn mức 8,3% của năm 2011, nhưng sẽ tăng trở lại và đạt 7,9% vào năm 2013.Theo nhận định của ADB, châu Á sẽ chuyển sang một mức độ tăng trưởng dài hạn bền vững hơn dựa trên nhu cầu nội địa, thay vì dựa vào xuất khẩu như trước đây.
Một năm nhìn lại, biến động khôn lường. Trong bao biến cố và sự kiện, buồn và vui, thất vọng và hy vọng, thế giới vẫn không ngừng vận động với bao chiều hướng đan xen mà trong đó, mỗi quốc gia, dân tộc phải tỉnh táo để luôn tìm ra và khẳng định lối đi riêng của mình, vì lợi ích của mình trong tương quan với xu thế chung thời đại.
Ban de laptop shoptainha
Ban de laptop
Ban go de laptop
Nguồn: www.nhandan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét